IoT (Internet of Things) là gì?
Internet vạn vật (IoT - Internet of Things) là mạng kết nối các đồ vật và thiết bị thông qua cảm biến, phần mềm và nhiều công nghệ khác, cho phép những đồ vật và thiết bị đó thu thập và trao đổi dữ liệu với nhau.
Internet vạn vật lan tỏa lợi ích của mạng internet tới mọi đồ vật được kết nối, không chỉ dừng lại ở phạm vi một chiếc máy tính. Khi được kết nối với internet, nó sẽ trở nên thông minh hơn nhờ khả năng gửi, nhận thông tin và tự động hoạt động dựa trên thông tin đó.
Thiết bị IoT có thể là đồ vật được gắn cảm biến để thu thập dữ liệu về môi trường xung quanh (như những giác quan), máy tính, bộ điều khiển tiếp nhận dữ liệu và ra lệnh cho các thiết bị khác, hoặc cũng có thể là đồ vật được tích hợp cả hai tính năng trên.
Hệ thống IoT hoàn chỉnh đều cần phải có đủ 4 bước: Thu thập dữ liệu, chia sẻ dữ liệu, xử lý dữ liệu và đưa ra quyết định.
Việc kết nối tất cả các đối tượng khác nhau này và bổ sung thêm các cảm biến sẽ tăng thêm mức độ thông minh kỹ thuật số cho các thiết bị truyền thống, cho phép chúng giao tiếp dữ liệu thời gian thực mà không cần đến con người. IoT đang làm cho cấu trúc của thế giới xung quanh chúng ta trở nên thông minh hơn và phản ứng nhanh hơn, hợp nhất vũ trụ vật lý và kỹ thuật số.
Lịch sử của hình thành và phát triển của IoT
Ý tưởng thêm cảm biến và trí thông minh vào các vật bình thường đã được thảo luận trong suốt những năm 1980 và 1990. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án này đã diễn ra rất chậm vì công nghệ lúc đó chưa sẵn sàng. Các chip quá lớn và cồng kềnh cũng như không có cách nào để các đối tượng giao tiếp hiệu quả.
Cần phải có những bộ xử lý rẻ và tiết kiệm điện để sử dụng kết nối hàng tỷ thiết bị khác. Việc áp dụng các RFID (chip năng lượng thấp có thể giao tiếp không dây) đã giải quyết được một số vấn đề này. Cùng với sự sẵn có của Internet băng thông rộng và mạng di động, thế giới đủ địa chỉ IP để cung cấp cho mọi thiết bị... đặc biệt khi có sự xuất hiện của IPv6. Đây đều là những bước cần thiết để mở rộng quy mô của IoT.
Kevin Ashton đã sử dụng cụm từ "Internet of Things" vào năm 1999 mặc dù phải mất ít nhất một thập kỷ nữa để công nghệ này có quy mô đúng như mong đợi.
Việc thêm chip RFID vào các thiết bị đắt tiền để theo dõi vị trí của chúng là một trong những ứng dụng IoT đầu tiên. Nhưng kể từ đó, chi phí bổ sung cảm biến và kết nối Internet đã tiếp tục giảm. Do đó, các chuyên gia dự đoán rằng chức năng cơ bản này có thể chỉ tốn 0,1 USD vào một ngày nào đó và mọi thứ đều có thể kết nối với Internet.
Ban đầu, IoT hữu ích nhất đối với kinh doanh và sản xuất. Khi đó, ứng dụng của IoT còn được gọi là Machine to Machine (M2M). Tuy nhiên, trọng tâm của IoT hiện là lấp đầy Internet vào tất cả các ngõ ngách bằng các thiết bị thông minh.
IoT có lợi ích gì cho người sử dụng?
IoT hứa hẹn sẽ làm cho môi trường của chúng ta (ngôi nhà, văn phòng, xe cộ...) thông minh hơn và dễ tương tác hơn. Các loa thông minh như Echo của Amazon và Google Home có thể phát nhạc, đặt hẹn giờ hoặc lấy thông tin dễ dàng hơn. Hệ thống an ninh gia đình giúp bạn dễ dàng theo dõi những gì đang diễn ra bên trong - bên ngoài cũng như xem và nói chuyện với khách.
Trong khi đó, bộ điều nhiệt thông minh có thể giúp chúng ta sưởi ấm ngôi nhà của mình trước khi trở về và các bóng đèn thông minh có thể tự bật/tắt ngay cả khi bạn không có nhà. Nhìn ra bên ngoài, cảm biến có thể giúp chúng ta hiểu môi trường đang ô nhiễm như thế nào. Xe tự lái và thành phố thông minh có thể thay đổi cách chúng ta xây dựng và quản lý không gian công cộng của mình.
Đối với người tiêu dùng, nhà thông minh có lẽ là nơi họ có khả năng tiếp xúc với rất nhiều những thứ có hỗ trợ Internet. Đó là một lĩnh vực mà các công ty công nghệ lớn (đặc biệt là Amazon, Google và Apple) đang cạnh tranh gay gắt.
Internet vạn vật đóng vai trò quan trọng trong đời sống và mang lại lợi ích thiết thực như:
Cung cấp lượng dữ liệu lớn
Nhờ dữ liệu lớn do IoT thu thập và cung cấp, doanh nghiệp có khả năng nắm bắt và tận dụng phần lớn thông tin, tạo ra thông tin hữu ích để cải thiện quy trình sản phẩm.
Tăng tính kết nối
Việc kết nối máy móc với cảm biến thông qua Internet giúp nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp theo dõi quá trình sản xuất từ xa. Từ đó, phát hiện ra vấn đề trước khi gặp phải sự cố nghiêm trọng, gây ra hiện tượng tắc nghẽn và thời gian chết của máy móc.
Dữ liệu được áp dụng một cách chủ động và tự động bởi thiết bị máy móc, nhằm cải thiện hiệu suất dòng sản phẩm, lập kế hoạch, tránh gián đoạn hoặc cho phép nhà cung cấp đẩy mạnh việc cập nhật phần mềm để trực tiếp trang bị cho thiết bị thông qua internet.
Cung cấp dịch vụ
Nhà sản xuất có thể tạo ra mô hình kinh doanh mới bằng cách kết hợp các sản phẩm của họ với dịch vụ đi kèm như bảo trì và phân tích dữ liệu. Nhờ đó, khách hàng có thể an tâm hơn khi mua sắm sản phẩm, doanh nghiệp có thể bán được nhiều hàng hóa hơn.
Tối ưu sản phẩm
Thông qua dữ liệu vận hành và kinh doanh thực tế, doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa thông tin để bố trí và thiết kế những thế hệ sản phẩm kế tiếp đạt chất lượng và hiệu quả cao, phù hợp với xu hướng và nhu cầu sử dụng của khách hàng.